Đa số các doanh nghiệp Việt Nam hiện giờ chỉ áp dụng phần mềm kế toán, việc áp dụng các phần mềm mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp còn rất ít.
Ngày 6/7/2011, tại TP. HCM, trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư ITPC phối hợp với QMS Việt Nam tổ chức một buổi hội thảo mang tên: “Thực trạng áp dụng và giải pháp cải tiến hệ thống quản lý tại doanh nghiệp Việt Nam”.
Tham gia buổi hội thảo có ông Nguyễn Trường Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM; ông Adam McDean, Tổng Giám đốc QMS Certificate Services (tại Úc và Quốc tế); ông Hà Tuấn Anh, Tổng Giám đốc QMS VN kiêm Viện trưởng viện Nghiên cứu Đào tạo Quản lý RIMT; ông Lê Bảo Luân, Giám đốc Điều hành QMS Việt Nam và các doanh nghiệp…
Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã và đang chịu rất nhiều tác động từ các vấn đề quốc tế như: khủng hoảng kinh tế thế giới, sự khan hiếm về tài nguyên phát triển kinh tế, nguy cơ chiến tranh tiền tệ… Bên cạnh đó, các yếu tố trong nước bao gồm kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trước mắt, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập cùng các vấn đề đang tồn tại từ phía các doanh nghiệp cũng làm cho nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn khi phát triển trong môi trường hội nhập.
Do đó, ông Hà Anh Tuấn đã đưa ra một số giải pháp: “Có 4 giải pháp tháo gỡ tình trạng hiện tại về mặt quản lý mà chúng ta cần thực hiện là thay đổi kỹ năng lãnh đạo và quản lý; thay đổi phương thức quản lý; quản lý theo quá trình và xây dựng/thay đổi hệ thống làm việc”.
Về tình trạng của các doanh nghiệp trong nước hiện nay, ông Lê Bảo Luân cho biết: “Đa số các doanh nghiệp Việt Nam hiện giờ chỉ áp dụng phần mềm kế toán, việc áp dụng các phần mềm mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp còn rất ít, có chăng thì họ chỉ áp dụng vi tính, ví dụ như Excel, World và một số công cụ để làm mọi thứ trông đẹp hơn, thuận tiện hơn một chút nhưng đó không gọi là phần mềm quản lý”.
Đồng thời, ông Luân cũng cho biết QMS có cung cấp một phần mềm nguồn mở có khả năng quản lý và có thể tích hợp nhiều modul để giải quyết tất cả công việc trong một công ty. Các doanh nghiệp cần phải làm quen với những phần mềm như vậy nhằm mục đích phát triển và có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo PCWorld VN