Chữ ký số: tại sao phải chứng thực chữ ký số

0
2950
Quảng cáo Facebook

Tư vấn công nghệ – Chứng thực chữ ký số để làm gì?

Ông La Thế Hưng, phụ trách dự án chữ ký số của Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC.



Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đã được Bộ Thông tin -Truyền thông cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Theo giấy phép, VNPT sẽ cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng trong các hoạt động công cộng.

Để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc, chuyên mục Hỏi & Đáp – Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã mời ông La Thế Hưng, phụ trách dự án chữ ký số của Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC, đơn vị được VNPT giao cho nhiệm vụ cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, trả lời bạn đọc về dịch vụ mới mẻ này.

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể đặt câu hỏi xung quanh vấn đề nói trên ở hộp bên dưới. Câu hỏi của bạn đọc sẽ được khách mời trả lời hàng ngày. Thời gian hỏi đáp cho vấn đề này sẽ được kéo dài từ ngày 5-10-2009 đến 15-10-2009.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Lê Thiện Hiền : Doanh nghiệp chúng tôi là đơn vị thuộc Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC. Hiện tại đơn vị chúng tôi đang là doanh nghiệp được thực hiện thí điểm kê khai thuế qua mạng. Trong đơn đăng ký có 2 mục: số seria chứng thư số và tên tổ chức chứng thực chữ kỹ số công cộng. Do vậy, doanh nghiệp chúng tôi muốn hỏi về thủ tục để xúc tiến về dịch vụ giữa doanh nghiệp chúng tôi và dịch vụ của công ty để hoàn thành các mục trên trước khi làm đơn gửi cơ quan thuế.? – 15/10/2009

Ông La Thế Hưng:

Doanh nghiệp của anh Hiền là doanh nghiệp nằm trong chương trình thực hiện thí điểm kê khai thuế qua mạng của Tổng cục Thuế. Chương trình thí điểm này nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tài chính và Tập đoàn VNPT, theo đó VNPT/VDC sẽ cung cấp miễn phí chứng thư số cho các doanh nghiệp tham gia thí điểm ứng dụng kê khai thuế trực tuyến iHTKK của Tổng cục Thuế. Do đây mới chỉ là chương trình thí điểm nghiệp vụ kê khai thuế ở quy mô nhỏ một số tỉnh/thành nên không phải doanh nghiệp nào cũng được phép tham gia, danh sách các doanh nghiệp được tham gia do Cục thuế địa phương lựa chọn. VDC thông qua các Cục thuế để cấp chứng thư số trực tiếp cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp chỉ cần liên hệ với cơ quan thuế mà không cần liên hệ với VDC.

Kết thúc thời gian thí điểm và chuyển sang chương trình triển khai sử dụng chính thức, khi đó doanh nghiệp cần được cấp lại chứng thư số chính thức của VNPT phục vụ cho các nghiệp vụ kê khai thuế của doanh nghiệp. Việc cấp phát lại chứng thư số dùng khai báo thuế chính thức, doanh nghiệp có thể liên hệ với các trung tâm đăng ký chứng thư số tại Bưu điện 63 tỉnh/thành trên toàn quốc hoặc Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC. Các doanh nghiệp đã từng tham gia thí điểm iHTKK sẽ được VNPT/VDC có chính sách ưu đãi riêng khi chính thức đăng ký sử dụng dịch vụ của VNPT/VDC.

Mai Phương Thảo : Tôi có biết chứng thực số đảm bảo được tính xác thực và sự toàn vẹn đối với các dữ liệu điện tử được trao đổi thông qua mạng, tuy nhiên với những doanh nghiệp từ trước tới nay vẫn thực hiện tốt việc trao đổi các dữ liệu điện tử rất lớn qua mạng như doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì chứng thực số sẽ hỗ trợ cụ thể ở điểm nào? – 15/10/2009

Ông La Thế Hưng:

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường có những trao đổi dữ liệu qua mạng rất lớn trong các nghiệp vụ khai báo hải quan. Việc sử dụng chữ ký số trong các nghiệp vụ này tùy thuộc vào mô hình phần mềm ứng dụng khai báo hải quan trực tuyến của Tổng cục Hải quan, tuy nhiên có một điểm có thể xác định chắc chắn là việc doanh nghiệp gửi các tờ khai hải quan, nếu bình thường phải in ra và ký đóng dấu để nộp thì bây giờ dùng chữ ký số, doanh nghiệp phải ký số vào các dữ liệu khai báo để chuyển qua mạng internet lên cho cơ quan hải quan. Việc ký cụ thể như thế nào do quy định của Tổng cục Hải quan, có thể ký vào toàn bộ file dữ liệu hay chia nhỏ vào các file để ký hoặc có thể ký vào từng trường dữ liệu để gửi đi.

Ms Love : Thưa ông, rủi ro của việc sử dụng chữ ký số là gì? – 15/10/2009

Ông La Thế Hưng:

Chữ ký số công cộng được pháp luật công nhận tương đương với chữ ký tay nên cũng như chữ ký tay có thể nhiều người có cảm giác rủi ro chữ ký số là có thể bị làm giả hoặc copy mất vì trong môi trường máy tính việc copy dữ liệu rất dễ dàng. Tuy nhiên công nghệ chữ ký số được xây dựng để việc này không thể làm được, các dữ liệu cần ký tạo ra chữ ký số đính kèm được quyết định bởi một mật mã bí mật mà chỉ người sở hữu nó mới dùng được (khóa bí mật). Người dùng sử dụng khóa bí mật này để tạo ra chữ ký số và đảm bảo không có người nào khác có thể tạo ra chữ ký số như vậy. Khóa bí mật đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ký số và xác thực người dùng. Vậy thì khóa bí mật này có rủi ro bị copy mất hay không? Nếu nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số lưu trữ khóa bí mật của khách hàng ở dạng file pkcs12 thì việc bị copy mất là có thể.

Khóa bí mật của VNPT-CA bắt buộc phải lưu trữ trong một thiết bị phần cứng chuyên dụng là USB Token hoặc SmartCard được cung cấp bởi VNPT như đã nói trong một số nội dung trong các phần khác. Các thiết bị này đảm bảo khóa bí mật không bị copy hay bị virus phá hỏng.

Thang : Chào anh, xin phép được hỏi một số vấn đề: VDC cung cấp chứng thư số theo phương án nào? Bên được cung cấp chứng thư số có cần phải thay đổi gì trong hệ thống thông tin không? Có qui định nào về trách nhiệm của các bên khi có sự cố an ninh xảy ra? Xin cảm ơn anh. – 11/10/2009

Ông La Thế Hưng:

VDC cung cấp chứng thư số theo 3 loại chính:

– Chứng thư số cá nhân cho người dùng, tổ chức, doanh nghiệp.

– Chứng thư số SSL.

– Chứng thư số cho code signning.

Với các chứng thư số cá nhân, khóa bí mật của người dùng sẽ được lưu trong thiết bị chuyên dụng USB PKI Token. Để sử dụng được chứng thư số này các ứng dụng cần phải được hỗ trợ tính năng ký số, xác thực số.

Các ứng dụng thông thường trên máy tính của người dùng như Adobe Acrobat, Microsoft Outlook, Outlook Express, Mozilla Thurnderbird, Microsoft Office Word, Excel, PowerPoint… đều đã có sẵn chức năng chữ ký số nên người dùng có thể sử dụng được ngay. Đối với các ứng dụng khác của doanh nghiệp như: phần mềm kế toán, quản lý văn bản, quản lý doanh nghiệp… chưa hỗ trợ chức năng chữ ký số thì cần phải nâng cấp phần mềm lên phiên bản có hỗ trợ chức năng này.

Trong quá trình sử dụng chữ ký số với các giao dịch trực tuyến nếu có xảy ra sự cố bảo mật và các rủi ro khác thì vấn đề nào liên quan đến nhà cung cấp dịch vụ chứng thực thì nhà cung cấp phải có trách nhiệm giải quyết. Phạm vi trách nhiệm của nhà cung cấp ở đây được thể hiện bằng các điều khoản trong nội dung hợp đồng cung cấp dịch vụ mà khách hàng sẽ ký với nhà cung cấp.

Nguyễn Văn Thức : Tôi đang là nhân viên kế toán ở một công ty cổ phần. Tôi cũng có biết chút ít về chữ ký số công cộng, xin ông giải thích giúp tôi một vài thông tin như sau: Chữ ký số công cộng của một doanh nghiệp là như thế nào? Có phải chỉ giám đốc đại diện cho doanh nghiệp hay không? Mọi giao dịch sau này bất kỳ của nhân viên nào cũng phải dùng chữ ký này không? Chữ ký này sẽ được áp dụng rộng rãi cho cả nước phải không? – 10/10/2009

Ông La Thế Hưng:

Chữ ký số công cộng khi được nhà nước cấp phép cho nhà cung cấp thì sẽ có tính pháp lý rất cao trong giao dịch trực tuyến trên mạng internet và sẽ được áp dụng rộng rãi cho cả nước với nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực chính phủ điện tử, thương mại điện tử, quản lý doanh nghiệp, giao dịch trực tuyến…

Chữ ký số công cộng theo quy định của Nghị định 26 tương đương với chữ ký tay. Chữ ký số của một doanh nghiệp là dùng cho đại diện pháp lý của doanh nghiệp khi ký số trong các giao dịch điện tử. Chứng thư số của doanh nghiệp có thể giao cho giám đốc đại diện hay bất kỳ ai quản lý sử dụng, việc này là do quy định nội bộ của doanh nghiệp về bảo quản và sử dụng chữ ký số (giống như quản lý và sử dụng con dấu của doanh nghiệp). Tuy nhiên phải phân biệt rõ chữ ký số của doanh nghiệp với chữ ký số của cá nhân ông giám đốc, chữ ký số của ông giám đốc chỉ đại diện cho chính cá nhân ông giám đốc thôi, ông giám đốc dùng chữ ký số cá nhân của mình trong các giao dịch cá nhân (ví dụ để đăng ký khai sinh cho con ông ta chẳng hạn) thì không thể nói đó là giao dịch của doanh nghiệp đó được.

Ở các doanh nghiệp, việc ứng dụng chữ ký số hay không là do doanh nghiệp quyết định, việc bắt buộc sử dụng chữ ký số trong công đoạn nào của công việc là do quy định của doanh nghiệp. Nếu toàn bộ ứng dụng nghiệp vụ của doanh nghiệp áp dụng chữ ký số hết thì chắc chắn tất cả các nhân viên phải dùng chữ ký số rồi. Ở Việt Nam có lẽ chưa có nhiều tổ chức, doanh nghiệp đạt tới mức độ ứng dụng tin học hóa cao như vậy.

Thanh Bình : Xin cho biết chữ ký số sử dụng trong trường hợp nào? Sử dụng như thế nào? Có giá trị trong lĩnh vực nào? – 10/10/2009

Ông La Thế Hưng:

Chữ ký số chỉ dùng được trong môi trường số, giao dịch điện tử với máy tính và mạng internet. Trong môi trường số không thể dùng chữ ký tay được, tuy  nhiên lại có rất nhiều ứng dụng đòi hỏi phải cần đến một cơ chế ký và xác thực người dùng như chữ ký tay, các công nghệ mã hóa và chữ ký số ra đời để giúp giải quyết vấn đề này. Như vậy chữ ký số có thể sử dụng trong tất cả các trường hợp giao dịch cần đến ký tay nhưng lại phải thực hiện trong môi trường số.

– Bạn có thể sử dụng chữ ký số trong các giao dịch thư điện tử, ký vào các email để các đối tác, khách hàng của bạn biết có phải bạn là người gửi thư không.

– Bạn có thể sử dụng dụng chữ ký số này để mua bán hàng trực tuyến, đầu tư chứng khoán trực tuyến, có thể chuyển tiền ngân hàng, thanh toán trực tuyến mà không sợ bị đánh cắp tiền như với các tài khoản VISA, Master.

– Bạn có thể sử dụng với các ứng dụng chính phủ điện tử, các cơ quan nhà nước trong tương lai sẽ làm việc với nhân dân hoàn toàn trực tuyến và một cửa. Khi cần làm thủ tục hành chính hay xin một xác nhận của cơ quan nhà nước bạn chỉ cần ngồi ở nhà khai vào mẫu và ký số vào để gửi là xong.

– Bạn có thể sử dụng để kê khai nộp thuế trực tuyến, khai báo hải quan và thông quan trực tuyến mà không phải in các tờ kê khai, đóng dấu đỏ của công ty và chạy xe ôm đến cơ quan thuế để chen lấn, xếp hàng và ngồi đợi vài tiếng đồng hồ có khi đến cả ngày để nộp tờ khai này.

– Bạn có thể sử dụng chữ ký số với các ứng dụng quản lý của doanh nghiệp của mình với mức độ tin cậy, bảo mật và xác thực cao hơn rất nhiều.

– Bạn có thể dùng chữ ký số để ký hợp đồng làm ăn với các đối tác hoàn toàn trực tuyến trên mạng mà không cần ngồi trực tiếp với nhau, chỉ cần ký vào file hợp đồng và gửi qua email.

Để sử dụng chữ ký số cần phải đăng ký chứng thư số và tạo khóa bí mật lưu vào trong PKI Token với nhà cung cấp dịch vụ như VNPT-CA. Các chương trình ứng dụng phải hỗ trợ chức năng ký số, khi đó việc sử dụng rất đơn giản: click chuột vào nút lệnh ký số, cắm thiết bị Token vào cổng USB, nhập PIN code bảo vệ Token, click chuột vào nút lệnh đồng ý ký.

Chữ ký số tương đương với chữ ký tay nên nó có giá trị sử dụng trong các ứng dụng giao dịch điện tử cần tính pháp lý cao. Tuy nhiên ngoài việc là một phương tiện điện tử được pháp luật thừa nhận về tính pháp lý, chữ ký số còn là một công nghệ mã hóa và xác thực rất mạnh, nó có thể giúp đảm bảo an toàn, bảo mật cao cho các giao dịch trực tuyến, nhất là các giao dịch chứa các thông tin liên quan đến tài chính, chuyển tiền chẳng hạn.

Võ Văn Minh : Xin anh cho biết chữ kí số được áp dụng ở Việt Nam vào thời điểm nào, cho những ngành nào và cụ thể hơn nữa là có tác dụng gì trong hỗ trợ công việc? – 09/10/2009

Ông La Thế Hưng:

Công nghệ về chữ ký số ra đời cách đây khá lâu, tuy nhiên việc sử dụng chữ ký số ở Việt Nam thời gian qua chỉ bó hẹp trong phạm vi dùng riêng nội bộ một tổ chức, doanh nghiệp hoặc thí điểm cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến ở quy mô nhỏ, do các chữ ký số này chưa có tính pháp lý đầy đủ. Có một số các đơn vị, cơ quan nhà nước đã sử dụng chữ ký số với các hệ thống chứng thực chuyên dùng trong các hoạt động nghiệp vụ nội bộ và trong các cơ quan nhà nước như Sở Khoa học Công nghệ, Sở Truyền thông Thông tin, Ngân hàng nhà nước, Kho bạc nhà nước,… Người dân và các doanh nghiệp chưa thể sử dụng chữ ký số rộng rãi được.

Chữ ký số công cộng (dành cho người dân và các doanh nghiệp) chỉ có thể được sử dụng rộng rãi khi có nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số cộng cộng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép (Bộ Thông tin Truyền thông). Trong quý IV năm 2009 người dùng có thể đăng ký sử dụng chữ ký số công cộng được pháp luật thừa nhận để giao dịch trực tuyến trên mạng với rất nhiều các ứng dụng đa dạng trong các lĩnh vực hành chính công, chính phủ điện tử, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, thanh toán trực tuyến, giao dịch trực tuyến,… bảo vệ bản quyền tài sản số hóa.

Hạ tầng chữ ký số là hạ tầng cho giao dịch điện tử phát triển, tất cả các ngành nếu có giao dịch trực tuyến đều có thể sử dụng chữ ký số. Trong ngành tài chính, sử dụng chữ ký số các doanh nghiệp và cá nhân có thể dùng để kê khai và nộp thuế trực tuyến với ứng dụng iHTKK của Tổng cục Thuế. Có thể sử dụng chính chữ ký số này để khai báo hải quan và thông quan điện tử trong tương lai với ứng dụng của Tổng cục Hải quan, có thể dùng để giao dịch chứng khoán trực tuyến, dùng trong đấu thầu trực tuyến, trong mua sắm hàng hóa trực tuyến, thanh toán và chuyển tiền trực tuyến (Internet Banking), giao dịch và ký các hợp đồng làm ăn trực tuyến,…

Sử dụng chữ ký số trong nội bộ doanh nghiệp có thể giúp tiết kiệm chi phí in ấn, quản lý công văn, giấy tờ số hóa. Các giao dịch, trao đổi văn bản giữa các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước với nhau sẽ nhanh chóng và đảm bảo tính pháp lý, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí giấy tờ và các chi phí cho việc đi lại.

Vũ Hoàng Thương : Tôi có những thắc mắc như sau: Dịch vụ chứng thực chữ ký số áp dụng được áp dụng cho tất cả các cơ quan, doanh nghiệp hay chỉ áp dụng cho một số cơ quan đặc thù hoặc theo quy định của nhà nước. Cụ thể về công nghệ kỹ thuật của dịch vụ này, thời điểm chính thức triển khai áp dụng. Giá trị pháp lý của dịch vụ này? – 08/10/2009

Ông La Thế Hưng:

Như đã trao đổi ở các nội dung trên, dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có thể sử dụng trong các giao dịch điện tử liên quan đến người dùng cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp. Có thể sử dụng trong các giao dịch giữa người dân và doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước. Riêng các giao dịch nội bộ của các cơ quan nhà nước hoặc giữa các cơ quan nhà nước với nhau là các giao dịch đặc thù, không sử dụng được hệ thống chứng thực công cộng mà phải dùng hệ thống riêng.

Về kỹ thuật công nghệ của chữ ký số là dựa trên hạ tầng mã hóa công khai (PKI), trong đó phần quan trọng nhất là thuật toán mã hóa công khai RSA. Công nghệ này đảm bảo chữ ký số khi được một người dùng nào đó tạo ra là duy nhất, không thể giả mạo được và chỉ có người sở hữu khóa bí mật mới có thể tạo ra được chữ ký số đó (đã được chứng minh về mặt toán học). Khóa bí mật của người dùng được tạo ra khi đăng ký sử dụng dịch vụ và lưu trữ trong một thiết bị phần cứng đặc biệt an toàn là VNPT-CA Token hoặc VNPT-CA SmartCard. Thiết bị này là một máy tính thực sự với cấu trúc tinh vi, có đầy đủ CPU, RAM, bộ nhớ, … sẽ đảm bảo khóa bí mật được lưu trữ an toàn, không thể sao chép hay nhân bản được, và cũng không thể bị virus phá hỏng được. Người sử dụng có thể yên tâm chỉ duy nhất một mình (có thể nói là trên toàn mạng internet) được sở hữu khóa bí mật của riêng mình lưu trong một thiết bị an toàn dùng để ký tạo ra chữ ký số trong các giao dịch trực tuyến.

Thời điểm mà người dùng và các tổ chức, doanh nghiệp có thể đăng ký sử dụng dịch vụ của VNPT là ngay trong quí IV năm 2009 này. Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của VNPT-CA có giá trị pháp lý do được nhà nước công nhận và cấp giấy phép. Các chữ ký số do người dùng tạo ra có giá trị tương đương với chữ ký tay của người dùng đó.

Bùi Văn Chiến : Khái niệm “chữ ký số công cộng” còn rất mới mẻ đối với rất nhiều người. Mong chuyên mục chia sẻ thêm một số thông tin về chữ ký số công cộng và việc chứng thực chữ ký số công cộng sẽ được những ưu điểm gì cho người sử dụng? – 07/10/2009

Ông La Thế Hưng:

Khái niệm chữ ký số công cộng được hiểu theo nghĩa phạm vi sử dụng của nó là “các ứng dụng công cộng” cho người dân và các doanh nghiệp (không dùng được trong nội bộ các cơ quan nhà nước). Bản thân người dùng khi đăng ký sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp thì có thể tạo ra các chữ ký số của riêng mình đính kèm vào các tài liệu điện tử lưu chuyển trên môi trường số. Để người nhận được các tài liệu điện tử có ký số này có thể xác thực được ai là người tạo các chữ ký thì cần phải có một Nhà cung cấp dịch vụ chứng thực (như VNPT-CA chẳng hạn) đứng ra chứng nhận chữ ký đấy là do một người dùng cụ thể nào đó ký tạo ra. Việc chứng nhận này thực hiện hoàn toàn tự động bằng các thuật toán đặc biệt giúp xác thực được ngay tác giả mà không thể chối bỏ hoặc làm giả chữ ký số được.

Những ưu điểm của chữ ký số trong các ứng dụng giao dịch trực tuyến thì có rất nhiều, trong thời gian tới chúng ta sẽ được chứng kiến sự phát triển của ứng dụng chữ ký số và người dùng có thể sử dụng các ứng dụng chữ ký số khác nhau trong rất nhiều các lĩnh vực của đời sống, giao dịch, kinh doanh và quản lý của Việt Nam. Một số đã được đề cập ở các nội dung trên.

Ngô Thị Len : Ông có thể nói rõ tiện ích của chữ ký số? Những doanh nghiệp hay cá nhân nào có thể sử dụng dịch vụ này? – 07/10/2009

Ông La Thế Hưng:

Chữ ký số có thể được sử dụng để đảm bảo tính bảo mật, tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ của các thông tin giao dịch  trên mạng internet. Ngoài ra chữ ký số được cung cấp bởi VNPT-CA còn có tính pháp lý được nhà nước công nhận là tương đương chữ ký tay trong các giao dịch trực tuyến (do được Bộ Thông tin – Truyền thông cấp phép chính thức).

Khi sử dụng chữ ký số, người dùng sẽ yên tâm vì có một giao dịch trực tuyến an toàn, bảo mật. Nếu có bất kỳ một sự can thiệp trái phép nào nhằm thay đổi vào dữ liệu được ký số khi lưu chuyển trên mạng thì các chương trình có thể cảnh báo cho người dùng biết dữ liệu này không còn nguyên vẹn nữa (đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu). Người dùng cũng có thể biết được ai là người đang giao dịch với mình, các thông tin xác định nguồn gốc của người ký số không thể làm giả được. Trường hợp các cá nhân và doanh nghiệp khi giao dịch ký kết các hợp đồng, văn bản giấy tờ trên mạng cũng có thể yên tâm vì việc tạo ra chữ ký số ký vào tài liệu, email, thông tin trên internet thì tác giả của nó không thể chối bỏ được nếu đã ký vào tài liệu. Tính pháp lý của chữ ký số đã được pháp luật thừa nhận.

Tất cả các người dùng cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp (không phân biệt là tư nhân, cổ phần hay nhà nước, …) đều có thể sử dụng dịch vụ này của VNPT. Tuy nhiên các cơ quan nhà nước không thể sử dụng dịch vụ của VNPT-CA được mà phải sử dụng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng riêng cho khối các cơ quan nhà nước.

Lê Thanh Long : Thưa ông, việc đăng kí chữ ký số được thực hiện như thế nào và việc đăng kí gồm những thủ tục ra sao? Liệu trong tương lai các doanh nghiệp tư nhân có được sử dụng dịch vụ này? – 07/10/2009

Ông La Thế Hưng:

Dịch vụ chứng thực chữ ký số của VNPT (gọi tắt là dịch vụ VNPT-CA) được xây dựng theo Nghị định 26/2007/NĐ-CP của chính phủ. Theo quy định của Nghị định này thì VNPT-CA là nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, có đối tượng khách hàng là người dùng cá nhân (người dân) và các tổ chức, doanh nghiệp. Như vậy các doanh nghiệp tư nhân đều có thể sử dụng dịch vụ này ngay khi VNPT cung cấp dịch vụ.

Việc đăng ký sử dụng dịch vụ được thực hiện thông qua các kênh bán hàng của VNPT/VDC tại tất cả các tỉnh/thành trên toàn quốc, với các điểm giao dịch khách hàng và đăng ký dịch vụ của Bưu điện 63 tỉnh/thành.

Thủ tục đăng ký tương tự như đăng ký các dịch vụ viễn thông của VNPT. Tuy nhiên do đặc thù quy định pháp lý chữ ký số là tương đương với chữ ký tay nên có thể phải thêm một số giấy tờ xác thực nguồn gốc thông tin của doanh nghiệp hay người dùng chặt chẽ hơn (ví dụ: bản sao có công chứng giấy tờ của doanh nghiệp…).

Tags: quảng bá web Quảng Bá Website quảng cáo trực tuyến quản lý doanh nghiệp quản lý từ xa seo software thiết kế web thiết kế đồ họa Tin công nghệ tin học

Theo TBKTSG Online

Tu van cong nghe

Quảng cáo Facebook

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here