Chữ ký điện tử – Bộ Tài chính dự kiến từ nay cho đến 2015 sẽ có khoảng 96 dịch vụ tài chính công trực tuyến mức độ 3 trở lên được cung cấp cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó có các dịch vụ được đông đảo người dân quan tâm như khai hải quan điện tử, nộp tờ khai thuế qua mạng internet đều sẽ ứng dụng hệ thống chứng thực chữ ký số.
Kết quả khả quan
Theo bảng phân chia cấp độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông thì có 4 cấp độ. Cấp độ đầu tiên là cổng thông tin điện tử có đầy đủ thông tin về quy trình thủ tục thực hiện dịch vụ, các giấy tờ cần thiết, các bước tiến hành, thời gian thực hiện, chi phí thực hiện dịch vụ. Cấp độ thứ hai có thêm chức năng cho phép người sử dụng tải về các mẫu đơn, hồ sơ để có thể in ra giấy, hoặc điền vào các mẫu đơn. Cấp độ 3 cho phép người sử dụng điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại trực tuyến tới cơ quan và người thụ lý hồ sơ. Các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng. Ở mức độ cao nhất là 4, việc thanh toán chi phí cũng được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện.
Theo định hướng của Bộ Tài chính, cả hai dịch vụ khai thuế và khai hải quan điện tử và một số dịch vụ tài chính khác đều sẽ ứng dụng hệ thống chứng thực chữ ký số, đưa dịch vụ này lên mức độ 3.
Hiện tại, dự án kê khai thuế qua mạng đã đạt được một số kết quả khả quan. Tại hội thảo về “Sử dụng hệ thống chứng thực chữ ký số công cộng trong các dịch vụ hành chính công điện tử của ngành Tài chính” được tổ chức ngày 17/9/2010, ông Phạm Quang Toàn, Phó cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Tổng cục Thuế cho biết đến nay có gần 1.600 doanh nghiệp đã được cấp chứng thư số công cộng, có 1.496 doanh nghiệp tại 5 tỉnh, thành phố đã sử dụng dịch vụ này (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Vĩnh Phúc). Tổng số tờ khai điện tử có chữ ký điện tử đã nhận được tới tháng 8/2010 là gần 29.000 tờ khai. Theo kế hoạch của Tổng cục Thuế thì trong năm 2010 này sẽ mở rộng thêm cho 19 Cục Thuế với 9.000 doanh nghiệp và năm 2011 mở rộng trên phạm vi 20 – 30 Cục Thuế với số lượng doanh nghiệp tối thiểu là 10.000.
Doanh nghiệp cung cấp chứng thực chữ ký số hướng dẫn sử dụng sản phẩm tại hội thảo. Ảnh: P.H
Doanh nghiệp cung cấp chứng thực chữ ký số hướng dẫn sử dụng sản phẩm tại hội thảo. Ảnh: P.H
Quá trình thực hiện thủ tục Hải quan điện tử tại Tổng cục Hải quan cũng đạt được những kết quả đáng kể. Hiện nay, đã có 13 Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện phương pháp khai báo hải quan tiên tiến này. Quán triệt quan điểm thủ tục hải quan điện tử đi vào những kết quả thực chất của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã đặt ra “mục tiêu 70” trong toàn ngành. Đó là đến hết năm 2010 thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại 70% số chi cục, đạt 70% số tờ khai hải quan và 70% kim ngạch trên tổng số kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.
Thách thức phía trước
Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực Tài chính đã chính thức có hiệu lực từ ngày 14/03/2007. 14/8/2009, Tổng cục Thuế bắt đầu triển khai thí điểm dự án nộp hồ sơ thuế qua internet tại TP Hồ Chí Minh. 28/8/2009, Bộ Tài chính ký thỏa thuận hợp tác với VNPT về việc áp dụng chữ ký số trong giao dịch hành chính điện tử. Quý I, 2010, phối hợp với VDC/VNPT và FPT nghiên cứu áp dụng cho thủ tục hải quan điện tử… Đã có rất nhiều bước tiến trong việc áp dụng chữ ký số vào dịch vụ công ngành tài chính, nhưng con đường phía trước còn rất gian nan.
Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính Trần Nguyên Vũ cho rằng, thời gian qua đã thể hiện một số vướng mắc từ nhiều phía trong thí điểm áp dụng chữ ký số. Doanh nghiệp còn lúng túng khi quản lý chứng chỉ số và công cụ ký số. Đặt ra vấn đề môi trường minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các công ty cung cấp dịch vụ xác thực chữ ký số công cộng. Chữ ký số có yếu tố nước ngoài (trường hợp của hãng Intel) cũng đang gây bối rối cho cả doanh nghiệp và nhà quản lý.
Tổng cục Thuế cũng liệt kê ra hơn chục khó khăn khi triển khai dự án kê khai thuế qua mạng. Trong đó đáng kể là một số vướng mắc về phía người dân và doanh nghiệp, do chưa hiểu rõ lợi ích của chữ ký số và lo ngại về độ an toàn bảo mật của chữ ký số. Việc chưa có những quy định rõ ràng trong việc lưu trữ, bảo quản, sử dụng và ủy quyền sử dụng chứng thư số cũng gây khó khăn trong thực thi.
Ông Đào Đình Khả (Giám đốc Trung tâm chứng thực chữ ký số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định: “hiện nay, ở Việt Nam, nhiều dự án lớn có sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số đang được tiến hành với đặc trưng là người dùng có trình độ khác nhau, thời gian truy cập không theo quy định, số người truy cập không ước lượng được chính xác và tầm quan trọng về kinh tế – xã hội rất cao”. Chính vì vậy, ông Khả lưu ý: “Chúng ta cần chú trọng trong tính toán các vấn đề liên quan đến công nghệ, quy trình, thiết kế hệ thống… để những dự án nói trên đạt được thành công”.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Những vấn đề nêu ra trong buổi hôm nay, nếu thỏa đáng sẽ được Bộ Tài chính luật hóa thành Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và xin phép sự đồng tình của Thủ tướng Chính phủ để tiến hành ngay trong thực tế”. Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Tài chính đã đặt ra mục tiêu tới năm 2012 sẽ có khoảng 350.000 doanh nghiệp ở Việt Nam sử dụng chữ ký số trong các dịch vụ công trực tuyến của ngành Tài chính.
P. Diễm
Theo Tong cuc hai quan
Tu van cong nghe