Xác định CNTT là chìa khóa để phát triển toàn diện xã hội

0
1880
Quảng cáo Facebook
CNTT là hạ tầng cơ sở mới để phát triển toàn diện xã hội hiện đại và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế là khẳng định của ông Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội thảo “CNTT và tương lai của đất nước” vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 23/4/2011.

Sự kiện do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TTTT và Hiệp hội Phần mềm Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo nhằm xác định vị trí của CNTT trong sự phát triển chung của Việt Nam, trước tầm ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế xã hội. Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo các ban của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, bộ ngành, lãnh đạo các hiệp hội và doanh nghiệp CNTT, đại diện của các trường Đại học, Viện nghiên cứu và các cơ quan truyền thông.

Các báo cáo thống kê sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW (Chỉ thị về ‘Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa”) cho thấy, ngành CNTT nói chung và ngành công nghiệp phần mềm nói riêng ở Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng hàng năm gấp 3 – 4 lần mức tăng trưởng GDP hàng năm, đóng góp khoảng 6,7% GDP của cả nước. Việc ứng dụng CNTT trong xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với hơn 1/4 dân số Việt Nam sử dụng Internet, gần 1/2 số hộ gia đình có điện thoại cố định, trung bình mỗi người dân có hơn 1 ĐTDĐ, tuyệt đại đa số cán bộ, công chức cấp TƯ và hơn 2/3 cán bộ, công chức cấp tỉnh có máy tính và đa số có kết nối Internet.

Đại diện Bộ TTTT, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng thừa nhận những thành tựu về ứng dụng và phát triển CNTT-TT đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước, góp phần cải cách hành chính, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp, đóng góp tích cực trong việc cung cấp thông tin phục vụ người dân, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng…

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương: "Cần kiến nghị với Đảng và Nhà nước có quyết sách mạnh mẽ về phát triển CNTT trong giai đoạn đến năm 2020".

Trong khi đó, nhiều chuyên gia công nghệ trong nước cũng khẳng định thực tế phát triển CNTT trong suốt thập kỷ qua cho thấy đây là lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng bắt kịp với các nước tiên tiến trong thời gian ngắn và thúc đẩy sự phát triển những ngành khác mạnh nhất.

“Từ năm 2000, khi có Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị, ngành CNTT đã trở thành ngành công nghiệp tuy còn non trẻ nhưng có tốc độ phát triển nhanh nhất, đem giá trị gia tăng lớn nhất. Việt Nam đã nằm trong top 20 quốc gia mới nổi về sản xuất phần mềm, là điểm đến mong ước nhất của Nhật Bản. Bằng cách này, Việt Nam sẽ có vị trí quan trọng trong kỷ nguyên số”, PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA), phát biểu.

Như vậy, CNTT có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là hạ tầng cơ sở, động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, vừa là ngành kinh tế mũi nhọn có khả năng đóng góp lớn cho GDP và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. “Từ đó, cần có quyết tâm chiến lược cao, chọn CNTT là chìa khóa cho phát triển kinh tế tri thức, thực hiện thành công những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XI đề ra. Cần kiến nghị với Đảng và Nhà nước có quyết sách mạnh mẽ về phát triển CNTT trong giai đoạn đến năm 2020”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh.

Các lãnh đạo, cũng như các chuyên gia công nghệ kỳ vọng CNTT xứng đáng có một Nghị quyết Trung ương trong khóa XI.

“Một nước XHCN phải là một nước hiện đại và nhân văn. Chúng ta trải qua hàng nghìn năm phát triển, nhưng lượng kiến thức nhân loại chỉ trong 2 năm đã nhân lên gấp đôi. Với tốc độ phát triển như vậy, nếu không quan tâm đến CNTT thì làm sao nâng dân tộc mình lên? Thông tin đã trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp quyết định nền văn minh. Đây là lĩnh vực là hạ tầng cơ sở để phát triển đột phá các ngành khác. Vì vậy, Ban Tuyên giáo tán thành việc đề xuất với Trung ương Đảng ra một nghị quyết chiến lược phát triển kinh tế dựa trên CNTT”, ông Vũ Ngọc Hoàng nêu ý kiến.

Nói về khả năng ra nghị quyết sớm hay muộn, TS Mai Liêm Trực nhận định: “Khả năng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu chậm quá thì ta sẽ đánh mất nhiều cơ hội nhưng sớm quá thì có thể chúng ta lại không kịp chuẩn bị. Tôi cho là nghị quyết ra đời vào năm thứ hai của nhiệm kỳ mới là phù hợp nhất”.

Quảng cáo Facebook

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here