Công việc tối ưu hóa website cho các công cụ tìm kiếm (hay SEO, Search Engine Optimization) là công việc đã phổ biến khá lâu trên thế giới. Ở VN, khoảng ba năm trở lại đây nghề SEO mới phát triển.
Tuy nhiên, nghề này vẫn chưa được đào tạo bài bản, chính quy.
Mỗi sáng thức dậy ông Tiểu Long, giám đốc Công ty TNHH DV quảng cáo Nhật Long, nghiền ngẫm sáu đầu báo để nắm phong cách ngôn ngữ người phóng viên thể hiện trong bài viết, từ đó cập nhật những từ khóa phù hợp với khách hàng của mình.
Công ty ông đang có khoảng 20 khách hàng lớn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh xe hơi, bất động sản, dược và quảng cáo. Ông Long cho biết cách đây hơn hai năm rất ít đơn vị làm SEO. Hiện ngân hàng là ngành ứng dụng SEO mạnh và giá dịch vụ SEO cho ngân hàng hiện là 30 triệu đồng/từ khóa/tháng.
Tiếp cận khách hàng
Lượng người dùng Internet tăng nhanh và mỗi ngày có hàng loạt trang web mới ra đời. “Nếu không xuất hiện trên Google, anh không tồn tại”. Điều này đã tác động rất lớn đến doanh nghiệp và từ đó doanh nghiệp có nhu cầu được xuất hiện trong top 10, top 100 Google, bởi ở vị trí đó sẽ có cơ hội tiếp cận với khách hàng. Nhu cầu này đã sinh ra nghề SEO, ông Trần Ngọc Anh, chủ tịch BOM Education – Trung tâm đào tạo ứng dụng CNTT, cho biết.
Theo ông Huỳnh Ngọc Duy, giám đốc Công ty Mắt Bão Media, để lên top Google có hai cơ chế, hoặc trả tiền mua quảng cáo từ khóa, hoặc Google sẽ đánh giá để đưa lên. SEO có nhiều lợi thế hơn quảng cáo từ khóa vì nếu bỏ tiền ra mua từ khóa xuất hiện ở vị trí đầu thì khi cắt tiền sẽ mất hết vị trí.
Tự học
Số người làm SEO chuyên nghiệp ở VN hiện rất khó xác định. Theo anh Du Nguyễn – quản lý SEO của FPT Online – có thể chia làm ba nhóm chính: làm toàn thời gian cho các công ty lớn, làm thuê cho các công ty cung cấp dịch vụ SEO hay công ty thiết kế web và ba là làm tự do. Thu nhập của hai nhóm đầu trung bình từ 300 đến trên 1.000 USD/tháng, còn nhóm thứ ba thường ẩn danh và khá nhất – hàng nghìn tới chục nghìn USD/tháng.
Nghề SEO đòi hỏi người làm SEO phải có một số kỹ năng về web như lập trình, thiết kế, có thể viết nội dung web trôi chảy, thu hút (tiếng Anh càng tốt) để làm sao cho hệ thống cỗ máy tìm kiếm dễ nhận diện nhất. Bên cạnh đó phải kiên trì.
Nghề SEO cũng đòi hỏi sự nhanh nhạy, khả năng phán đoán và phân tích tốt, không ngừng học hỏi bởi các cỗ máy tìm kiếm thay đổi thuật toán từng giờ. Ngoài ra người làm SEO cũng cần có chiến lược hợp lý để biết tối ưu hóa sản phẩm, dịch vụ gì thích hợp mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Ngọc Anh, hiện nay những người muốn làm nghề này hầu hết phải tự học. Cũng như lập trình viên, nghề này có tuổi nghề không dài, đòi hỏi cập nhật kiến thức công nghệ và ngôn ngữ liên tục, nếu không sẽ bị đào thải. SEO sẽ là bước đệm để các bạn trẻ tiếp cận các phương pháp marketing trực tuyến khác cho nghề nghiệp lâu dài vững chắc hơn.
Anh Du Nguyễn cho rằng hiện ở VN đã có một số trung tâm tổ chức đào tạo, nhưng chất lượng thì chưa được kiểm định, chủ yếu là phổ cập kiến thức SEO cơ bản chứ chưa đào tạo lành nghề được. SEO nên được đưa vào thành một ngành hay ít nhất là một môn trong khóa học về online marketing ở ĐH.
HỒNG NHUNG
Nghề SEO có nhiều đất sống
Ông Mai Văn Cường – trưởng bộ môn mạng máy tính và viễn thông, khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) – cho rằng: – Cả hai nhóm trường ĐH đào tạo công nghệ thông tin và marketing đều có thể đào tạo nghề này. Tuy phục vụ cho việc marketing, nhưng nội dung đào tạo về nghề này lại là các kiến thức và kỹ năng về kỹ thuật liên quan đến tin học. Vì vậy phân chia SEO thuộc nhóm ngành kỹ thuật thì phù hợp hơn. Các trường có dạy về thiết kế website tận dụng được nhiều khái niệm kỹ thuật nên có lợi thế hơn. Tuy nhiên, các thuật toán về tìm kiếm và xếp hạng website vẫn là các bí quyết công nghệ của các hãng, người học SEO phải có sự am hiểu sâu và thường xuyên cập nhật các thay đổi của thuật toán xếp hạng trang. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho những người làm SEO giỏi nghề. TRẦN HUỲNH ghi |