Thường thì máy tính đời mới, cả desktop lẫn laptop đều có trang bị sẵn card mạng để kết nối mạng LAN hay Internet. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bạn sẽ phải dùng một card mạng khác cho phù hợp hơn với loại hay tốc độ đường truyền đang sử dụng.
Để kết nối được mạng LAN hoặc Internet, máy tính cần phải có card mạng. Tùy loại máy tính, loại hình mạng đang dùng và nhu cầu sử dụng mà bạn sắm loại card phù hợp nhất. Giá của chúng khoảng từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng.
Đối với máy tính để bàn
Nếu máy tính của bạn đang dùng CPU Pentium IV socket 478 hoặc mới hơn, nhiều khả năng là đã tích hợp sẵn card mạng tốc độ 100 Mbps (100 mega-bit/giây; 100 Mb/s). Do vậy, bạn không cần phải sắm nữa, hoặc chỉ sắm khi card mạng bị hư, hoặc cần kết nối vào mạng LAN tốc độ cao Giga-bit (1.000 Mb/s; 1 Gb/s; 1 Gbps).
Với máy tính để bàn, bạn có thể mua và lắp card mạng PCI 100 Mb/s hoặc 1 Gb/s, card PCI Express x1 1 Gb/s, card PCI không dây, đầu chuyển USB to LAN (RJ-45), modem USB 3G, thiết bị bắt sóng không dây giao tiếp cổng USB.
Hiện nay, mặc dù các dịch vụ kết nối Internet ADSL hoặc 3G tốc độ cao đã đang dần phổ biến nhưng một số nơi chưa có sóng 3G, chưa có đường truyền ADSL thì vẫn phải dùng model dial-up tốc độ 56 Kb/s để kết nối Internet cho máy tính thông qua các dịch vụ VNN1268, VNN1269… với chi phí tương đối cao.
Đối với laptop
Hầu hết các loại laptop đều đã có ngõ cắm dây mạng LAN RJ-45 tốc độ 100 Mb/s hoặc 1 GB/s. Do vậy, bạn không phải bận tâm vấn đề kết nối mạng LAN khi các ngõ cắm này còn hoạt động bình thường.
Tương tự như máy tính để bàn, các dòng laptop mới dùng CPU từ Pentium IV trở về sau cũng đã được trang bị card mạng không dây (card wifi).
Nếu laptop chưa có card mạng không dây, bạn có thể sắm một trong số các thiết bị card mạng không dây khe PCMCIA hoặc Express, thiết bị bắt sóng không dây giao tiếp cổng USB, modem USB 3G.
Trong một số trường hợp card mạng có dây hoặc không dây tích hợp trong máy tính để bàn hoặc laptop bị hư, thay vì phải thay chip card mạng, một số dịch vụ sửa chữa sẽ tư vấn lắp card mạng rời để kết nối mạng cho máy tính mà không ảnh hưởng đến các linh kiện khác xảy ra trong quá trình sửa card mạng.
Các loại card mạng dùng cho máy tính
– Card mạng giao tiếp Pci
Loại card mạng này đã được sử dụng khá lâu và sẽ tiếp tục được dùng trong thời gian tới. Một khi mainboard máy tính còn khe cắm PCI, nó vẫn còn đất sống. Hiện nay, loại tốc độ 100 Mb/s khoảng từ 40.000 đồng, loại 1 Gb/s là trên 200.000 đồng. Bạn không cần phải mất nhiều tiền để mua loại card mạng tốc độ 1 Gb/s, bởi phần lớn các mạng LAN hay kết nối ADSL hiện tại chỉ có tốc độ tối đa là 100 Mb/s. Dù ở tốc độ nào, trên mỗi card mạng sẽ có ngõ cắm RJ-45. PCI là khe cắm màu trắng trên trên mainboard.
– Card mạng giao tiếp Pci Express x1
Loại card này mới xuất hiện trên thị trường khoảng 2 năm nay, tuy nhiên chúng vẫn chưa được phổ biến và giá còn khá cao. Ở thị trường Việt Nam, chưa thấy có nơi nào bán loại card này. Các loại mainboard đời mới mới có khe cắm PCI Express x1 (nằm cạnh khe cắm PCI Express x16 cắm card màn hình rời).
– Card mạng không dây Pci
Hình dạng và kiểu giao tiếp của loại card mạng này giống như card mạng PCI có dây. Nó không có cổng RJ-45, thay vào đó là anten ngắn thu và phát tín hiệu, giá khoảng từ 250.000 đồng.
– Đầu chuyển USB to RJ-45
Thiết bị này có kích thước như đĩa flash USB nhỏ, một đầu là ngõ cắm USB “đực” để cắm vào máy tính, đầu còn lại là ngõ cắm RJ-45 để cắm cáp mạng. Loại này thường dùng trong một số trường hợp bất đắc dĩ, hoặc không cần tốc độ truyền dữ liệu cao, bởi tốc độ truyền dữ liệu tối đa qua thiết bị này chỉ đạt 12 Mb/s. Giá của nó khoảng vài chục ngàn đồng.
– Card mạng PcMcia
Loại card này chỉ dùng ở laptop, giá khoảng chừng 250.000 đồng. Phần lớn các laptop Core2 Duo trở về trước đều có khe cắm PCMCIA. Trước đây, khi các thiết bị mạng không dây giao tiếp qua cổng USB chưa phổ biến, loại card mạng không dây PCMCIA cắm vào khe PCMCIA được một số người chọn dùng. Tuy nhiên, nó có kích thước khá lớn và ngõ cắm dùng nhiều điểm tiếp xúc nên tính ổn định không cao, khó tháo lắp, đôi khi làm treo máy tính khi lắp vào.
– Card mạng Express
Loại card này được các hãng sản xuất thay thế cho loại card PCMCIA. Kích thước của nó chỉ khoảng bằng 2 ngón tay, khoảng 1/4 so với loại card PCMCIA. Các dòng laptop mới sản xuất có tích hợp khe cắm Express card và bỏ khe cắm PCMCIA. Card mạng Express có giá khoảng 300.000 đồng, tuy nhiên nó cũng chưa thật phổ biến vì không tiện so với các thiết bị bắt sóng không dây giao tiếp USB.
– Card mạng USB
Đây là cách gọi ngắn gọn. Tên gọi chính xác của nó là thiết bị bắt sóng không dây giao tiếp cổng USB. Thay vì dùng cổng giao tiếp PCI, PCI Express x1, PCMCIA hay Express…, loại card mạng USB này cắm vào cổng USB của máy tính để bàn hay laptop và có đầy đủ tính năng của một card mạng không dây, mặc dù kích thước chỉ lớn gấp đôi đĩa flash USB. Giá khoảng từ 270.000 đồng.
– Modem USB 3G
Những thiết bị kết nối mạng vừa đề cập chỉ kết nối mạng nội bộ LAN và dùng nguồn Internet chia sẻ trong mạng, hoặc kết nối với thiết bị phát sóng không dây biến đổi từ tín hiệu Internet có dây.
Trong trường hợp cần kết nối mạng Internet cho máy tính để bàn hoặc laptop nhưng chưa có sẵn mạng Internet, bạn có thể mua modem USB 3G, cộng với SIM điện thoại di động đã kích hoạt dịch vụ Internet 3G rồi cắm vào cổng USB của máy tính. Với thiết bị này, bạn sẽ kết nối Internet cho máy tính qua sóng mạng 3G của nhà mạng di động.
Hiện nay, các nhà mạng di động lớn tại Việt Nam như VinaPhone, MobiFone, Viettel… đều có bán thiết bị modem USB 3G với giá khoảng từ 600.000 đồng. Khi dùng modem USB 3G của một nhà mạng, bạn chỉ dùng được SIM điện thoại của nhà mạng đó, nhưng thao tác nối mạng Internet thực hiện trên máy tính cũng khá dễ dàng. Trong khi đó, loại modem USB 3G dùng được cho tất cả SIM của các mạng di động được các cửa hàng rao bán với giá khoảng trên 1 triệu đồng thì cách kết nối có phần rắc rối hơn.
Theo Khoa hoc pho thong
Tu van cong nghe