Quang cao truc tuyen – QC trên các kênh truyền thống (truyền hình, báo in…) có thể hiệu quả nhưng chi phí cao. QC trực tuyến chi phí thấp hơn (10 – 40 triệu đồng trên các báo điện tử hay các kênh Internet khác/trong 1 tuần), nhưng vẫn còn ngoài tầm với của đa số DN nhỏ, thậm chí cả DN vừa… Giải pháp nào đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu DN?
Tiềm năng chưa được khai thác
Theo khảo sát của TNS Media công bố ở hội thảo “Saigon Digital Marketing” vào tháng 5/2009 tại TP.HCM, tỷ lệ người sử dụng Internet ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ năm 2008 là 53% so với 35% hồi năm 2005. Theo điều tra của Cimigo Online, năm 2005 chỉ có 15% người dân thành thị xem Internet là nguồn thông tin chính khi cần tìm hiểu xu hướng tiêu dùng và nhãn hiệu sản phẩm; đến năm 2008, tỷ lệ này đã tăng lên 40%.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, trưởng đại diện Văn phòng phía Nam Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam – VPPN Vecom, các con số trên cho thấy Internet đã trở thành kênh quảng bá quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, vai trò tiếp thị trực tuyến (online marketing) vẫn còn mờ nhạt và chưa hiệu quả. Nếu chọn loại hình quảng bá qua Internet, DN hiện phần lớn vẫn theo hình thức gắn banner trên các báo điện tử. Một số khác lại dùng hình thức “phát tán” thư điện tử theo kiểu spam. Các giải pháp như QC trực tuyến được tổ chức theo chiến dịch phức hợp bằng công nghệ phát QC hay tiếp thị qua thư điện tử một cách bài bản vẫn còn ít được biết đến.
Tiếp thị hiệu quả với 1 triệu đồng!
Tại hội thảo “An toàn thông tin trong giao dịch thương mại điện tử” tổ chức vào trung tuần tháng 6/2009 tại TP.HCM, VPPN Vecom đã giới thiệu cho các hội viên và DN 2 giải pháp tiếp thị trực tuyến với chi phí thấp do ban Nghiên cứu Phát triển Vecom xây dựng. Chỉ với mức ngân sách 1 triệu đồng, DN có thể tiến hành các chiến dịch QC trực tuyến Ad Network hay Email Marketing.
“Một cửa” tiết kiệm chi phí
Ad Network là mạng QC trực tuyến do Vecom xây dựng, có thể kết nối đến vài nghìn website (hiện đã kết nối 50 website) vào hệ thống quản lý duy nhất. Từ hệ thống này, QC sẽ được phân xuống các website. Theo ông Đồng Phước Vinh, giám đốc công ty Digilife, đối tác triển khai các giải pháp cho Vecom, đây là mô hình tiếp thị “một cửa”, vì việc điều phối, quản lý QC trên các website được thực hiện chỉ qua một đầu mối, hiệu quả cho cả KH QC và nhà quản lý website.
Tính phí theo CPM
Hiện, ngành QC trực tuyến trên thế giới đều dùng hệ thống phát QC và tính phí theo số lượt QC phát ra. Đơn vị đo lường là CPM (CPM = Cost-per-thousand impressions, tức là “Tính phí theo 1.000 lần hiển thị”). 1 impression là một lần QC hiển thị trên website. 1 CPM = 1.000 impressions.
Ví dụ: Giá 1 CPM là 20.000 đồng, KH mua 50 CPM thì chi phí QC là: 20.000 x 50 = 1.000.000 (đồng). Tổng số lượt QC của KH được phát ra trên website sẽ là: 1.000 x 50 = 50.000 (lần). Chi phí bình quân cho 1 lần người đọc trang web nhìn thấy QC sẽ là: 1.000.000/50.000 = 20 (đồng/lần).
Với Ad Network, KH QC tự đưa ra mức chi phí và thời hạn QC. Ad Network tính phí theo số lần QC xuất hiện CPM (Cost-Per-Thousand impression: phi cho 1.000 lượt hiển thị trên website) giúp KH QC có thể kéo dài đợt QC của mình thay vì bị giới hạn theo ngày hay tuần. Nhà QC có thể yêu cầu giới hạn số lần hiển thị QC để tiết giảm chi phí. Như vậy, với cùng khoản phí, tùy theo nhu cầu mà DN có thể đăng QC trong 1 tuần hay 1 tháng. Chi phí khởi điểm cho 1 chiến dịch QC là 1 triệu đồng!
Với 1 khoản phí cố định, KH có thể cùng lúc sử dụng nhiều banner cho cùng 1 chiến dịch QC, kéo dài hay rút ngắn thời hạn, tăng hay bớt số vị trí QC. Với công nghệ thông thường, 1 banner chỉ cho 1 vị trí QC, có thể thay banner nhưng không được dùng song song nhiều banner cùng 1 thời điểm, kéo dài thời gian hay tăng vị trí QC thì phải trả thêm tiền. Hơn nữa, kích cỡ banner QC trên Ad Network theo chuẩn quốc tế. Vì vậy, 1 banner có thể gắn lên hàng trăm website khác nhau mà không phải chỉnh sửa kích thước theo chuẩn riêng của từng website.
Bất kỳ QC nào cũng được hiện ra “mặt tiền” trong khu vực “Above the fold” (phần trang web có thể thấy ngay khi truy cập mà không cần kéo chuột). Toàn bộ thông tin về số lần QC hiển thị và được nhấp chuột vào đều ghi nhận lại bởi hệ thống máy chủ trung gian của bên thứ ba độc lập (OpenX, công ty Mỹ chuyên cung cấp hạ tầng phát QC mà Ad Network thuê). Nhà quản lý website không thể can thiệp được vào số liệu này nên sẽ không thể kê khống số lượng truy cập QC.
Công nghệ của Ad Network cho phép nhà QC đăng nhập trang web, xem số liệu thống kê chi tiết về ngày giờ, từng vị trí hay chuyên mục, website mà QC hiển thị. Ad Network có chức năng “Định vị người xem QC” theo từng chuyên mục hay theo thời gian, khu vực địa lý… Điều này cho phép nhà QC hướng chiến dịch quảng bá tới nhóm đối tượng phù hợp. Ad Network kết nối với nhiều website, được chia thành những kênh nội dung, theo giờ hiển thị, theo vùng miền… để nhà QC chọn.
Ad Network cho phép chủ website giữ quyền kiểm soát, duyệt nội dung thì QC mới hiển thị trên website, từ chối đăng các QC không phù hợp. Ad Network với các công cụ tiếp nhận, quản lý QC cho phép nhà quản lý website tiết kiệm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chi phí cho nhân sự khai thác QC.
Ứng dụng công nghệ Ad Network trên một giao diện website:
Email Focus: Tìm đúng mục tiêu
Ngoài Ad Network, ban Nghiên cứu và Phát triển Vecom cũng cung cấp một công cụ tiếp thị trực tuyến là Email Focus, giúp DN quảng bá thông tin với chi phí thấp (khoảng 100 – 200 đồng/thư, so với gửi thư thông thường khoảng 1.000 đồng/thư).
Ông Dũng nhận xét: “Hiện, các hình thức quảng bá spam email vẫn đang diễn ra tràn lan, gây thiệt hại rất lớn đến người sử dụng email. Nguyên nhân là do ý thức về luật pháp của người gửi spam chưa tốt, chưa nắm được quy định chống spam của Nhà nước. Việc sử dụng những công cụ đã được xem là không hợp pháp đang gây thiệt hại cho cả người QC: KH bị spam email sẽ phản ứng ngược và tẩy chay sản phẩm, dẫn đến thiệt hại cho chủ nhãn hàng. Xây dựng Email Focus, Vecom muốn cung cấp 1 công cụ QC trực tuyến chuẩn mực, hợp pháp với chi phí thấp cho hội viên và DN”.
Sử dụng Email Focus, DN được cung cấp DV trọn gói từ việc biên soạn nội dung (theo yêu cầu QC của DN), thiết kế giao diện thư điện tử (định dạng trang web HTML)… đến việc gửi thư và báo cáo thống kê kết quả (lượng thư được xem, bị từ chối, số lượng “nhấp chuột” vào banner QC trong thư…). DV Email Focus đã được đăng ký mã số quản lý với Trung tâm Ứng cứu Sự cố Máy tính (VNCERT) và hệ thống máy chủ gửi thư cũng được đăng ký xác thực với hệ thống chống spam quốc tế theo luật “CAN-SPAM” (chặn spam mail) của Mỹ.
Theo pcworld
Tư vấn công nghệ