Quảng cáo trực tuyến – Trong thế giới rộng lớn của Internet với hàng tỷ người đang sử dụng hàng ngày, phần lớn trong số họ thường đọc quảng cáo trực tuyến khi lướt web và đó là cơ hội lớn để quý khách quảng cáo tiếp thị doanh nghiệp – sản phẩm – dịch vụ trực tuyến trên Internet.
Quảng cáo trực tuyến là gì
Cũng như các loại hình quảng cáo khác, quảng cáo trên mạng nhằm cung cấp thông tin, đẩy nhanh tiến độ giao dịch giữa người mua và người bán. Nhưng quảng cáo trên Web khác hẳn quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, nó giúp người tiêu dùng có thể tương tác với quảng cáo. Khách hàng có thể nhấn vào quảng cáo để lấy thông tin hoặc mua sản phẩm cùng mẫu mã trên quảng cáo đó, thậm chí họ còn có thể mua cả sản phẩm từ các quảng cáo online trên Website.
Quảng cáo trực tuyến đã tạo cơ hội cho các nhà quảng cáo nhắm chính xác vào khách hàng của mình, và giúp họ tiến hành quảng cáo theo đúng với sở thích và thị hiếu của người tiêu dùng. Các phương tiện thông tin đại chúng khác cũng có khả năng nhắm chọn, nhưng chỉ có mạng Internet mới có khả năng tuyệt vời như thế.
Những ưu điểm của quảng cáo trực tuyến
* Khả năng nhắm chọn
Nhà quảng cáo trên mạng có rất nhiều khả năng nhắm chọn mới. Họ có thể nhắm vào các công ty, các quốc gia hay khu vực địa lý cũng như họ có thể sử dụng cơ sở dữ liệu để làm cơ sở cho tiếp thị trực tiếp. Họ cũng có thể dựa vào sở thích cá nhân và hành vi của người tiêu dùng để nhắm vào đối tượng thích hợp.
* Khả năng theo dõi
Các nhà tiếp thị trên mạng có thể theo dõi hành vi của người sử dụng đối với nhãn hiệu của họ và tìm hiểu sở thích cũng như mối quan tâm của những khách hàng triển vọng. Ví dụ, một hãng sản xuất xe hơi có thể theo dõi hành vi của người sử dụng qua site của họ và xác định xem có nhiều người quan tâm đến quảng cáo của họ hay không?
Các nhà quảng cáo cũng có thể xác định được hiệu quả của một quảng cáo (thông qua số lần quảng cáo được nhấn, số người mua sản phẩm, và số lần tiến hành quảng cáo,…) nhưng điều này rất khó thực hiện đối với kiểu quảng cáo truyền thống như trên tivi, báo chí và bảng thông báo.
* Tính linh hoạt và khả năng phân phối
Một quảng cáo trên mạng được truyền tải 24/24 giờ một ngày, cả tuần, cả năm. Hơn nữa, chiến dịch quảng cáo có thể được bắt đầu cập nhật hoặc huỷ bỏ bất cứ lúc nào. Nhà quảng cáo có thể theo dõi tiến độ quảng cáo hàng ngày, xem xét hiệu quả quảng cáo ở tuần đầu tiên và có thể thay thế quảng cáo ở tuần thứ hai nếu cần thiết. Điều này khác hẳn kiểu quảng cáo trên báo chí, chỉ có thể thay đổi quảng cáo khi có đợt xuất bản mới, hay quảng cáo tivi với mức chi phí rất cao cho việc thay đổi quảng cáo thường xuyên.
* Tính tương tác
Mục tiêu của nhà quảng cáo là gắn khách hàng triển vọng với nhãn hiệu hoặc sản phẩm của họ. Điều này có thể thực hiện hiệu quả trên mạng, vì khách hàng có thể tương tác với sản phẩm, kiểm tra sản phẩm và nếu thoả mãn thì có thể mua. Ví dụ, một quảng cáo cho phần mềm máy tính có thể đưa khách hàng tới nơi trưng bày sản phẩm để lấy thông tin và kiểm tra trực tiếp. Nếu khách hàng thích phần mềm đó, họ có thể mua trực tiếp. Không có loại hình thông tin đại chúng nào lại có thể dẫn khách hàng từ lúc tìm hiểu thông tin đến khi mua sản phẩm mà không gặp trở ngại nào như mạng Internet.
Loại hình Quảng cáo
Quảng cáo logo – banner
Đặt logo hoặc banner quảng cáo trên các website nổi tiếng, những website có lượng khách hàng truy cập lớn hay những website được rank cao trên Google là phổ biến và là cách quảng cáo trực tuyến hiệu quả nhất hiện nay. Nó không những quảng bá được thương hiệu mà còn nhắm đến các khách hàng tiềm năng trên Internet.
Quảng cáo bằng đường Text link
Là đặt quảng cáo bằng chữ có đường link đến website hay sản phẩm dịch vụ của bạn, bạn phải có tiêu đề cho đoạn quảng cáo, địa chỉ website, thông tin giới thiệu về website hay quảng cáo sản phẩm dịch vụ để bạn có thể đăng ký vào bất kỳ danh bạ nào trên Internet phục vụ việc tra cứu, tìm kiếm sản phẩm dịch vụ của các cỗ máy chủ tìm kiếm. Hiện nay để được đăng ký vào hệ thống directory của Yahoo bạn phải trả 299$/năm còn ở VietnamTradeFair.com thì chỉ có 200.000VNĐ/ 1 lần đăng ký mãi mãi. Lợi ích của hình thức quảng cáo này là thường xuyên có hàng trăm ngàn robot và spider của các search engine truy cập vào và sẽ tự động cập nhật website của bạn lên search engine trong vòng chỉ có 3 đến 7 ngày.
Quảng cáo tài trợ tại Google, Yahoo!
Nhiều người sử dụng Internet bấy lâu nay vẫn tự hỏi: Google, Yahoo, MSN hay Altavista – những đại gia trong làng công cụ tìm kiếm với việc cung cấp miễn phí các công cụ: Tìm kiếm thông tin, Email, Tin tức, Chat, Điện thoại Internet,…mà tất cả đều miễn phí – họ lấy tiền từ đâu để trang trải cho các hoạt động của mình?
Nếu chúng ta chịu khó quan sát sẽ dễ dàng nhận ra: Trên mỗi trang kết quả tìm kiếm, với bất cứ từ khoá nào, đều xuất hiện một đến vài mẩu quảng cáo được đóng trong khung ở bên phải màn hình hoặc nằm trên cùng và dưới cùng của trang đầu (hay trang 2, 3) kết quả tìm kiếm. Một nguyên tắc để nhận biết những kết quả tìm thấy đó là quảng cáo là ở dòng chữ: “Sponsors” (Nhà tài trợ). “Sponsorship Advertising” (quảng cáo tài trợ) là một thuật ngữ mới được áp dụng vào Internet từ năm 1996 bởi Hotwire và tiếp theo là AOL (American Online).
Đây là hệ thống quảng cáo mới nên nó có tính năng thông minh, nhắm chọn. Khi khách hàng đánh vào một từ khoá bất kỳ trong ô tìm kiếm là các cỗ máy tìm kiếm lập tức mang một nhà tài trợ (sponsors) có liên quan đặt ngay lên đầu kết quả tìm kiếm. Có 2 cách mà nhà quảng cáo có thể chọn 1 để trả cho các Search Engine: 1 là trả theo tổng số lần truyền phát quảng cáo – thường được gọi là CPM (Cost per Impression – trả tiền cho một ngàn lần truyền phát quảng cáo). Cách này thực hiện như sau: Google hay Yahoo! cho chạy quảng cáo của bạn mỗi khi có một từ khoá liên quan được tìm kiếm. Kết quả sẽ hiển thị trên hàng bên phải hay trên cùng, hay dưới cùng của trang 1, trang 2 hay trang 3 kết quả tìm kiếm (tuỳ theo số tiền bạn Bid – đấu giá) kèm theo là hàng chữ đậm màu: SPONSORS (nhà tài trợ). Ngoài ra, Google, Yahoo còn thiết đặt nhiều địa chỉ quảng cáo tại các site có nhiều người truy cập theo từng chủ đề nhất định. Nếu bạn vào một website, thấy một mẩu quảng cáo có dòng chữ nhỏ phía trên hay phía dưới: “Ads by Google”, “Goooooogle….” hay “Advertisment by Yahoo!” thì đó chính là “Sponsorship Advertising”.
Sau cách phải trả cho mỗi một ngàn lần truyền phát quảng cáo như vậy, bạn có thể chọn cách thứ 2: bạn chỉ phải trả tiền nếu có khách hàng nhấn vào dòng quảng cáo của mình (để liên kết đến website của bạn). Mỗi một lần khách hàng bấm vào dòng quảng cáo của bạn được gọi là một “Nhấn” (Click). Phương thức quảng cáo này đang ngày càng thông dụng và được gọi với cái tên: CPC (Cost per click – trả tiền cho mỗi “nhấn”) hay PPC (Pay per click).
Bây giờ đến cách tính chi phí quảng cáo. Mỗi một lần bạn đăng ký với Google, Yahoo! hay một cỗ máy tìm kiếm khác để quảng cáo cho một số từ khoá nào đó được gọi là một Chiến dịch (campaign). Chiến dịch này sẽ do bạn xây dựng dựa vào những công cụ tính toán trực quan của bên bán quảng cáo (Gooogle hay Yahoo!). Ví dụ bạn muốn 5 từ khoá của bạn lên hàng số 1 trong vòng 2 tháng, ngay sau khi thanh toán một phần dịch vụ, Google hay Yahoo! lập tức đưa mẩu quảng cáo của bạn lên vị trí theo thoả thuận. nếu tính theo CPM thì các nhà quảng cáo sẽ cho bạn báo giá ngay từ đầu là một tháng bạn phải trả bao nhiêu tiền, còn nếu tính theo lần “nhấn” thì bạn sẽ được biết mức độ đấu giá là bao nhiêu, từ khoá này phải trả bao nhiêu tiền. Hàng ngày, hàng giờ Google hay Yahoo! sẽ có báo cáo chi tiết là đã có bao nhiêu lần “nhấn” vào mẩu quảng cáo của bạn, và bạn đã bị trừ đi bao nhiêu tiền trong tài khoản. Vì một lý do nào đó, nếu bạn muốn thay đổi, chẳng hạn muốn vị trí từ khoá nâng cao hơn nữa, hay tụt bớt hạng, bạn sẽ điều chỉnh ngay trong tài khoản của mình (do nhà bán quảng cáo cung cấp – tiếng Việt hoặc tiếng Anh). Còn nếu mới phát được 10 ngày quảng cáo, nếu thấy hiệu quả không cao như mong muốn, bạn có thể Stop chiến dịch và không phải trả tiền cho những ngày tiếp theo. Tóm lại, đây là hình thức quảng cáo đang được ưa chuộng và có hiệu quả cao, tức thời.
Khâu thanh toán: Bạn sẽ chi trả cho nhà quảng cáo bằng thẻ tín dụng như Visa hay Master Card. Việc chi trả chỉ thực sự bắt đầu khi bạn nhấn vào nút: “thanh toán” và “bắt đầu chiến dịch”. Tài khoản của bạn sẽ bị khấu trừ dần đến hết hợp đồng hoặc đến khi bạn ngưng chiến dịch.
Ngoài ra còn có rất nhiều các hình thức quảng cáo khác trên mỗi website, các bạn có thể tự tìm hiểu và nghiên cứu để lựa chọn cho doanh nghiệp mình một phương thức hiệu quả nhất mà đỡ tốn kém. Chúc các bạn thành công!
Theo Wiki
Tư vấn công nghệ