Nhận định này được đại diện của Microsoft đưa ra tại Hội thảo với chủ đề “Hành trình tới công nghệ điện toán đám mây” vừa diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của 300 chuyên gia IT và các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp Việt Nam.
Sự kiện này là một phần trong kế hoạch “roadshow” tại Châu Á được tổ chức nhằm giúp lãnh đạo trong các doanh nghiệp, nhà nước cũng như các chuyên gia công nghệ hiểu thêm về vai trò và ảnh hưởng của công nghệ điện toán đám mây, đồng thời chia sẻ tầm nhìn của Microsoft đối với công nghệ tiên tiến này.
Đánh giá về việc triển khai điện toán đám mây tại Việt Nam, ông Andrew Pickup, Tổng giám đốc tiếp thị Microsoft Châu Á Thái Bình Dương cho hay, Chính phủ Việt Nam đã xác định CNTT-TT là một ngành mũi nhọn trong nền kinh tế quốc gia, và chúng tôi tin tưởng rằng công nghệ điện toán đám mây có thể thúc đẩy ngành mũi nhọn này. Chúng tôi mong đợi các doanh nghiệp, chính phủ, cũng như người dùng Việt Nam sẽ triển khai công nghệ điện toán đám mây phù hợp với nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính phủ VIệt Nam đã xác định mục tiêu cho đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có ngành công nghiệp IT phát triển mạnh và hiện đại. Ngành công nghiệp này được trông đợi sẽ chiếm 20% giá trị tổng sản phẩm quốc nội tại thời điểm này. Các chủ đề và những vấn đề về điện toán đám mây hiện đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp trong nước, những người đang kiếm tìm giải pháp nâng cao năng suất cho doanh nghiệp.
Theo phân tích của đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường CNTT thế giới Gartner, những ưu tiên chính mà các CIO đối mặt trong năm 2011 đang dần chuyển đổi từ các ứng dụng doanh nghiệp tiến tới công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây. Điều này cho phép các doanh nghiệp bớt lo lắng hơn trong việc quản lý cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tập trung nhiều hơn vào việc lèo lái quá trình phát triển doanh nghiệp.
Theo một phân tích khác từ IDC, hãng này cũng tin rằng các doanh nghiệp sẽ sử dụng đám mâycá nhân như là một cách để thực hiện việc sử dụng rộng hơn dịch vụ điện toán đám mây và tin học trong tương lai. Vấn đề duy nhất nhiều doanh nghiệp băn khoăn là vấn đề liên quan đến bảo mật, thông số và kiểm soát giữ liệu khi triển khai giải pháp công nghệ này.
(Theo Vnmedia)