Content Marketing là một trong những chiến lược đóng vai trò quan trọng nhất, góp phần tạo nên sự thành công của một thương hiệu. Cùng với sự phát triển thần tốc của công nghệ, các nhà sáng tạo nội dung đang không ngừng nỗ lực trong việc cập nhật và ứng dụng các công cụ mới nhất nhằm nâng cao hiệu suất làm việc và giữ vững lợi thế cạnh tranh.
Nhằm giúp các marketer bắt kịp xu hướng và tối ưu hoá quá trình sáng tạo nội dung trong năm 2023, dưới đây là một số nền tảng và công cụ hữu ích cho việc nghiên cứu từ khoá, phát triển ý tưởng và hỗ trợ xây dựng chiến lược SEO hiệu quả!
Nghiên cứu từ khoá và phát triển nội dung
WebCEO
WebCEO là một nền tảng SEO toàn diện với khá nhiều tính năng độc đáo, một trong số đó là công cụ nghiên cứu từ khóa cho phép marketer lấy các đề xuất từ khóa từ nhiều nguồn khác nhau. Nền tảng này cũng hiển thị các xu hướng tìm kiếm cho từng từ khóa được đề xuất và cho phép người dùng dễ dàng ước tính mức độ cạnh tranh của từ khóa đó trong tìm kiếm mà không phải trả tiền.
Ngoài ra, WebCEO còn có một cách tiếp cận khá độc đáo để xác định các từ khóa có nhu cầu cao dựa vào số lượt tìm kiếm và những từ khoá có khả năng cạnh tranh, bao gồm các truy vấn tìm kiếm có khả năng tạo lưu lượng truy cập cho website của thương hiệu. Theo đó, số liệu về Chỉ số hiệu quả từ khóa (The Keyword Effectiveness Index – KEI) trên WebCEO được tính toán dựa trên khối lượng tìm kiếm và số lượng kết quả tìm kiếm được Google Search trả về. Một từ khóa có chỉ số KEI tương đối cao hơn được cho là có nhu cầu cao hơn và số lượng đối thủ thấp hơn, do đó sẽ dễ dàng có khả năng cạnh tranh hơn.
Người dùng có thể dễ dàng nhóm các từ khóa đó bằng cách sử dụng tags và lọc các đề xuất từ khóa để nhắm mục tiêu đến một vị trí cụ thể, chẳng hạn như thành phố hoặc tỉnh mà doanh nghiệp tập trung vào. Ngoài ra, WebCEO sở hữu nhiều tính năng hữu ích khác như theo dõi đối thủ cạnh tranh, tối ưu hóa tốc độ trang web, v.v.
Also Asked
Also Asked là một công cụ mới, cho phép người dùng phân tích kết quả từ tính năng People Also Ask của Google và mối liên hệ giữa các từ khoá này. Trong quá trình tìm kiếm thông tin, Google sẽ tạo ra nhiều câu trả lời dựa trên câu hỏi mà người dùng chọn. Từ những dữ liệu đó, nền tảng Also Asked khai thác cách mà những câu trả lời này liên quan với nhau, từ đó hiển thị một cách trực quan theo từng cấp độ câu hỏi được nhóm theo những chủ đề riêng biệt.
Công cụ này cung cấp cho các marketer cái nhìn sâu sắc về hành trình tìm kiếm dựa trên ý định mà đối tượng mục tiêu của thương hiệu có thể sẽ thực hiện khi nghiên cứu bất kỳ chủ đề nào.
Glimpse
Glimpse là một tiện ích mở rộng miễn phí của Google Chrome giúp báo cáo của Google Trends trở nên hữu ích hơn nhiều bằng cách bổ sung nhiều thông tin chi tiết hữu ích về SEO. Khi người dùng kiểm tra xu hướng và mức độ phổ biến của một từ khoá trên Google Trends, Glimpse sẽ cung cấp thêm nhiều dữ liệu khác, bao gồm:
- Khối lượng tìm kiếm
- “Mọi người cũng tìm kiếm” (People Also Search for được trích xuất từ Google) có liên quan
- Mức độ phổ biến của thuật ngữ đó trên các kênh truyền thông xã hội. Kênh có điểm cao cho thấy mức độ sử dụng từ khóa trên kênh đó cao hơn mức trung bình
- Các truy vấn xu hướng liên quan
- Các chủ đề liên quan
Hợp tác và sáng tạo nội dung
Narrato
Sáng tạo nội dung không đơn giản chỉ dừng lại ở việc viết bài. Ngày nay, một content writer cần có sự kết hợp nhiều dữ liệu để đảm bảo nội dung có chiều sâu, hướng đến mục đích tìm kiếm và được tối ưu hóa đúng cách. Narrato là công cụ do A.I điều khiển, cho phép người dùng tập hợp các bản brief nội dung chi tiết và quy trình sáng tạo nội dung, đồng thời tìm người viết nội dung có chuyên môn phù hợp.
Người dùng có thể tạo một dự án mới ngay trên nền tảng Narrato và bắt đầu bằng cách tạo một bản tóm tắt nội dung (content brief) bằng các công cụ do A.I điều khiển mà Narrator cung cấp. Tiếp đến, công cụ này sẽ giúp người dùng tạo các từ khóa và câu hỏi có liên quan, hỗ trợ cấu trúc các tiêu đề phụ của bài viết và cho phép tạo một hướng dẫn về phong cách viết bài để các content writer có định hướng thực hiện cụ thể. Ngoài ra, người dùng cũng có thể sử dụng trình tạo hình ảnh do A.I cung cấp để định hướng các hình ảnh liên quan được sử dụng trong nội dung của mình. Nền tảng này cũng cung cấp quyền truy cập vào thị trường nội dung A.I trong trường hợp người dùng cần tìm các bài báo của chuyên gia.
Text Optimizer
Một trong những tính năng nổi bật của Text Optimizer là “trình tạo câu” (sentence builder), cho phép người dùng khám phá các mối liên hệ giữa những khái niệm và sáng tạo ra các câu sử dụng các thuật ngữ quan trọng với độ chính xác cao. Nhờ đó, các nhà sáng tạo nội dung có cái nhìn sâu sắc hơn về chủ đề mà mình đang viết, đồng thời sáng tạo ra những nội dung được tối ưu hoá tốt hơn.
Inlinks
Inlinks là công cụ phân tích ngữ nghĩa mới sử dụng API của Google giúp tối ưu hóa nội dung với 3 tính năng chính, bao gồm:
- Tối ưu hóa nội dung liên quan đến tìm kiếm ngữ nghĩa
- Tự động tạo content brief dựa trên chủ đề mục tiêu bằng cách sử dụng phân tích ngữ nghĩa
- Nghiên cứu từ khóa ngữ nghĩa dựa trên những phân cụm có ý nghĩa và cách tiếp cận sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Đây cũng là một tính năng mới của Inlinks, giúp cho quá trình tối ưu hoá nội dung của người dùng trở nên hiệu quả hơn.
Không chỉ tạo các đề xuất từ khóa liên quan đến mục đích tìm kiếm của đối tượng mục tiêu, công cụ này còn tìm các câu hỏi liên quan nhằm bổ sung ngữ cảnh cho từ khóa gốc. Người dùng có thể sử dụng tab “Intent” cho phép công cụ đề xuất thông tin chi tiết, hữu ích về cách sáng tạo nội dung phù hợp với nhu cầu của đối tượng mục tiêu khi sử dụng từ khoá tìm kiếm cốt lõi của thương hiệu.
ChatGPT
Được ra mắt vào cuối năm 2022, ChatGPT đã và đang “gây bão” trên toàn thế giới. Chatbot được phát triển bởi OpenAI có khả năng xử lý và sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt, tự nhiên để hỗ trợ cho quá trình sáng tạo nội dung, trả lời câu hỏi của người dùng hay thậm chí là thay thế công cụ tìm kiếm.
Bên cạnh nhiều lo ngại liên quan đến tính chuyên môn và chính xác của thông tin được tạo ra từ ChatGPT, công cụ này vẫn là một “cánh tay phải” đắc lực hỗ trợ các marketer trong nhiều tác vụ chuyên môn, bao gồm việc đề xuất cấu trúc nội dung. Đơn cử, người dùng có thể yêu cầu công cụ này gợi ý cấu trúc cho một bài viết hiện có. ChatGPT sẽ ngay lập tức chia nội dung thành các phần hợp lý và thậm chí cung cấp mã HTML cho các tiêu đề phụ mới được tạo.
Link Hunter
Email là một yếu tố cực kì quan trọng trong chiến lược content marketing mà bất kì thương hiệu nào cũng cần phải lưu ý. Link Hunter là một công cụ hữu ích giúp các marketer trong việc khám phá các khách hàng tiềm năng, theo dõi trạng thái email và giúp các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nội bộ với một mức giá hợp lý (50 USD cho khoảng 500 email mỗi tháng).
Side-by-Side SEO Comparison Tool
Nội dung trên trang không phải là yếu tố xếp hạng duy nhất giúp các thương hiệu đánh giá nội dung của đối thủ cạnh tranh với chính thương hiệu của mình. Tuy nhiên, những nội dung này có thể rất hữu ích trong việc giúp marketer phát hiện ra một số chiến thuật mới và tối ưu hoá quy trình SEO nội dung của thương hiệu.
Side-by-Side SEO Comparison Tool là một công cụ miễn phí, cho phép người dùng dễ dàng so sánh nội dung trên website của thương hiệu so với đối thủ cạnh tranh về các yếu tố nội dung chính có tác động đến khả năng hiển thị tìm kiếm không phải trả tiền (organic search), bao gồm:
- Tiêu đề và mô tả meta
- Tiêu đề HTML
- Cách sử dụng từ khóa
- Liên kết nội bộ (internal links) và bên ngoài (external links)
- Độ dài nội dung, v.v.