Tuy chưa có giấy phép chứng thư số công cộng nhưng Sở KHCN tỉnh Đồng Nai đã triển khai chữ ký điện tử (CKĐT) nội bộ từ năm 2005.
Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở cho biết, xuất phát từ yêu cầu xác thực khi vận hành văn phòng điện tử (VPĐT) M_Office, đơn vị đã áp dụng chữ ký điện tử (CKĐT) trong nội bộ từ năm 2005 bằng quy định tạm thời do Giám đốc Sở ban hành. Do áp dụng nội bộ nên Sở chưa có nhu cầu xin cấp phép để hoạt động trong lĩnh vực cấp chứng thư số công cộng. Hiện Sở chỉ mới cấp chứng thư số và dùng trong nội bộ. Đến nay, Sở đã triển khai và ứng dụng cho gần 20 đơn vị trong tỉnh chủ yếu là lĩnh vực điều hành VPĐT và PM CKĐT, triển khai chữ ký số (CKS) cho trên 30 tỉnh thành với gần 100 đơn vị sử dụng chủ yếu vẫn là nội bộ ở các đơn vị trong việc xác thực truy cập M_Office mà Sở đã triển khai.
Khó khăn chính khi triển khai CKS là giao dịch điện tử (GDĐT) giữa các cơ quan (CQ) nhà nước, các doanh nghiệp (DN) còn ở mức độ rất thấp và chưa có thể chế đầy đủ cho việc thừa nhận tính pháp lý của văn bản điện tử nên CQ, DN và người dân chưa thấy cần thiết phải tìm hiểu sâu và áp dụng CKĐT trong các GDĐT. Nên các đối tác của Sở hiện chủ yếu dùng CKS cho việc truy cập PM M-Office. Hiện Việt Nam cũng chưa công nhận chứng thực CKS của bất cứ nước ngoài nào và cũng chưa có tổ chức quốc tế nào công nhận CKS của Việt Nam.
CKS sử dụng trong các GDĐT là hoàn toàn tin tưởng được với khả năng xác thực và độ chính xác rất cao. Từ CKS của mỗi người khi kết hợp với tệp tin điện tử sẽ tạo ra CKĐT. CKĐT sẽ đảm bảo 2 chức năng: Nội dung tệp tin khi gửi tới người nhận có bị thay đổi hay không? Xác nhận người gửi tệp tin là ai? Hiện Việt Nam đã cấp giấy phép chứng thực CKS công cộng nên có thể xử lý theo Luật GDĐT khi xảy ra tranh chấp. GDĐT của các DN có quan hệ nhiều với nước ngoài có nhu cầu lớn trong việc sử dụng CKS. CKS của Việt Nam cần sớm đạt được sự công nhận quốc tế.
Theo: Pcworld