6 Xu hướng B2b Marketing nổi bật nhất 2023

0
334
Quảng cáo Facebook

Đẩy mạnh content marketing, tận dụng trí tuệ nhân tạo, tái phân bổ ngân sách quảng cáo và các xu hướng tiếp thị nổi bật trong năm 2023 dành cho các doanh nghiệp B2B

Năm 2023, thị trường B2B Marketing được dự đoán sẽ rất cạnh tranh với nhiều thách thức đáng kể cho doanh nghiệp. Cùng với sự biến chuyển của thị trường, công nghệ và khách hàng, xu hướng marketing cho thị trường này cũng theo đó mà thay đổi liên tục qua từng năm. Theo Marcom Central, dưới đây là các xu hướng B2B Marketing nổi bật trong năm 2023 mà các nhà tiếp thị có thể tham khảo.

Marketing dựa trên khách hàng (Account – Based Marketing – ABM)

Thông thường, các xu hướng B2B Marketing xuất hiện liên tục qua các năm và nhanh chóng chìm vào quên lãng vài tháng sau đó. Tuy nhiên, Marketing dựa trên khách hàng (Account – Based Marketing, ABM) vẫn là một phương pháp được áp dụng và chứng minh tính hiệu quả trong nhiều thập kỷ qua. Đây là một chiến lược tiếp thị được các doanh nghiệp sử dụng, tập trung vào việc phát triển mối quan hệ và tương tác với các khách hàng tiềm năng hoặc danh sách các khách hàng, tổ chức hiện có thay vì một khách hàng cụ thể. Theo Marketing Report 2022 của Hubspot, có đến 92% các nhà tiếp thị B2B hiện đang triển khai chương trình ABM. 68% trong số đó cho biết họ quản lý chương trình bằng các công cụ tự động hoá.
Chiến lược ABM sử dụng cách tiếp cận siêu tập trung để thu hút các khách hàng B2B. Cụ thể, thay vì tạo ra một mạng lưới rộng lớn nhằm thu hút các khách hàng mới, tiếp cận bằng ABM giúp doanh nghiệp tạo ra một danh sách các khách hàng tiềm năng dựa trên giá trị mà họ cung cấp, từ đó xác định thứ tự khách hàng ưu tiên và nội dung phù hợp để nâng cao nhận thức thương hiệu, tạo ra đối tượng tiềm năng và gia tăng tỷ lệ chuyển đổi thành khách hàng của doanh nghiệp.

Tận dụng trí tuệ nhân tạo (A.I)

Một trong những xu hướng định kỳ trong B2B Marketing là việc áp dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo (A.I). Mỗi năm, công nghệ A.I tiếp tục trở nên dễ tiếp cận hơn với giá cả hợp lý hơn. Điều này đã khiến các nhà tiếp thị B2B khám phá những cách tiếp cận mới để kết hợp A.I vào chiến lược của họ.
Trong những năm gần đây, chatbot đang dần trở thành một “cơn sốt” trong lĩnh vực B2B Marketing. Đặc biệt, sự xuất hiện của Chat GPT đã thu hút phần lớn sự chú ý của tất cả các nhân sự đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó bao gồm lĩnh vực sáng tạo. Chatbot đến từ OpenAI đã chứng tỏ khả năng vượt trội của mình trong việc hỗ trợ các nhân sự ngành marketing thực hiện nhiều công việc chuyên môn khác nhau, từ sáng tạo video quảng cáo, xây dựng nội dung website, hỗ trợ quy trình nội bộ cho đến thực hiện các tác vụ email với khách hàng.
Theo một báo cáo gần đây của Forrester, 48% nhà tiếp thị ABM hiện đang sử dụng A.I để hợp lý hóa việc cá nhân hóa nội dung và quản lý thương hiệu. Các ứng dụng này có thể tăng hiệu quả của các chiến dịch ABM và cho phép các nhà tiếp thị mở rộng phạm vi tiếp cận và tạo khách hàng tiềm năng.

Tiếp thị hợp tác (Partnership Marketing)

Tiếp thị hợp tác (Partnership Marketing) là một hình thức marketing mà ở đó, hai hoặc nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan nhưng không cạnh tranh đồng ý hợp tác để giúp nhau đạt các mục tiêu kinh doanh. Đây cũng được đánh giá là một trong những xu hướng mới nhất, đồng thời có tiềm năng nhất, trong lĩnh vực B2B Marketing.
Chẳng hạn, các thương hiệu cung cấp sản phẩm tẩy rửa có thể hợp tác với các doanh nghiệp B2B chuyên cung cấp các thiết bị làm sạch như robot lau nhà hay máy lau kính. Việc liên kết này giúp các thương hiệu điều hướng lưu lượng truy cập từ người dùng đến trang của đối tác còn lại. Nhờ đó, cả hai doanh nghiệp đều có thể mở rộng phạm vi tiếp cận của chiến dịch mà không cần gia tăng chi tiêu cho quảng cáo.

Tập trung vào trải nghiệm thay vì dịch vụ

Thông thường, các thương hiệu B2B có hai cơ hội để thể hiện năng lực dịch vụ khách hàng: trong quá trình bán và khi giải quyết các vấn đề liên quan đến sản phẩm. Những năm trước đây, cung cấp dịch vụ tối ưu trong các thời điểm quan trọng trên hành trình mua hàng của khách hàng là đủ để doanh nghiệp thúc đẩy lòng trung thành với thương hiệu và giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, những khách hàng B2B ngày nay thường mong muốn nhận được trải nghiệm dịch vụ tối đa ngay từ khi họ tiếp xúc với các nội dung của thương hiệu.
Vì thế, các thương hiệu B2B cần có sự trao quyền và khuyến khích khách hàng tiềm năng khám phá các sản phẩm và dịch vụ theo tốc độ của riêng họ. Ngoài ra, hãy tạo ra những video hấp dẫn, những trang web dễ điều hướng và cho phép khách hàng trải nghiệm thử dịch vụ trước khi đưa ra quyết định mua hàng.

Đẩy mạnh chiến lược Content Marketing

Một khảo sát của Content Marketing Institute cho thấy có 71% các nhà tiếp thị B2B tin rằng tiếp thị nội dung (content marketing) là một phương pháp vô cùng quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của thương hiệu. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng 73% nhà tiếp thị B2B đã có chiến lược tiếp thị nội dung và 20% có kế hoạch triển khai chiến lược này vào năm 2023. Tổng cộng, 93% các nhà tiếp thị B2B đã sử dụng tiếp thị nội dung hoặc sẽ sử dụng vào cuối năm nay. Vì thế, các doanh nghiệp B2B cần có sự nắm bắt và tận dụng tốt hình thức marketing này để giành lợi thế và trở nên nổi bật trên thị trường.
Hãy sáng tạo nội dung với nhiều dạng hình thức, từ các bài đăng trên mạng xã hội, blog cho đến video nhằm thu hút sự chú ý của nhóm khách hàng tiềm năng và thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ của công ty.

Tối ưu ngân sách quảng cáo

Chi phí trung bình cho mỗi lượt nhấp (CPC) của Google đã tăng đều đặn trong những năm gần đây ở cả lĩnh vực B2C lẫn B2B. Xu hướng này đã khiến cho quảng cáo trên Google Ads trở nên rẻ hơn rất nhiều so với trước đây.
Bên cạnh đó, nhiều nhà tiếp thị B2B cũng bày tỏ sự lo lắng rằng việc gian lận trong tỷ lệ nhấp chuột (click fraud) có thể “ăn mòn” ngân sách marketing vốn đã eo hẹp của họ mà không hề tạo ra bất kỳ kết quả nào có giá trị cho thương hiệu. Chính vì thế, một số nhà tiếp thị B2B đang dần có sự dịch chuyển trong ưu tiên và phân bổ ngân sách quảng cáo cho các nền tảng truyền thông xã hội khác như Facebook hay LinkedIn nhằm hạn chế sự lãng phí tiền bạc đổ vào Google Ads.

Tăng cường nội dung video

Năm 2023, dạng nội dung dưới hình thức video sẽ tiếp tục là nguồn tài nguyên quan trọng mà các nhà tiếp thị B2B nên tận dụng. Theo khảo sát của HubSpot, 94% nhà tiếp thị tin rằng video giúp người dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm. Ngoài ra, 81% số người được hỏi cũng cho biết sử dụng nội dung dưới hình thức video trong chiến lược marketing đã góp phần cải thiện doanh số bán hàng một cách đáng kể.
Nội dung video chất lượng có thể thu hút sự chú ý của khán giả, giúp thương hiệu truyền tải thông điệp một cách thú vị và hiệu quả, đồng thời chứng minh tính hữu ích của sản phẩm hoặc dịch vụ. Cùng với sự phát triển của các VR và AR, định dạng video vẫn là một hình thức truyền thông chiếm ưu thế và mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp B2B.
Theo Marcom Central
Quảng cáo Facebook

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here